Trải qua nhiều thập niên, với tiềm năng và lợi thế của mình, Đông Nam bộ (ĐNB) luôn là vùng đất hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nơi đây có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản, hạ tầng kỹ thuật, du lịch… nên có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số lượng doanh nghiệp (DN), xuất nhập khẩu đứng đầu cả nước.
Doanh nghiệp Đồng Nai và doanh nghiệp Nhật Bản tham gia một chương trình kết nối giao thương do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.GIA |
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, vùng ĐNB cũng có những lực cản cho sự phát triển, đòi hỏi có tầm nhìn chiến lược mới, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng.
Dẫn đầu trong thu hút đầu tư FDI
Tính đến nay, ĐNB là nơi có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp đã giúp vùng ĐNB trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Dẫn đầu trong các địa phương về thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu là TP.HCM. Theo Sở KH-ĐT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 115 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư với gần 11 ngàn dự án FDI còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký trên 78 tỷ USD. Tỉnh Bình Dương xếp thứ 2 về thu hút FDI với trên 40 tỷ USD; Đồng Nai xếp thứ 3 với gần 34 tỷ USD. Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước cũng là những địa phương thu hút được nhiều đầu tư FDI vào công nghiệp, nông nghiệp.
Riêng năm 2022, bất chấp những dự báo ảm đạm về triển vọng kinh tế thế giới, nguồn vốn FDI vẫn chảy mạnh vào vùng ĐNB, khi 2 vị trí dẫn đầu cả nước lần lượt thuộc về TP.HCM (dẫn đầu, thu hút 3,94 tỷ USD) và Bình Dương (đứng ở vị trí thứ 2 với 3,14 tỷ USD). Các tỉnh còn lại như: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước dù khiêm tốn hơn song vẫn tăng trưởng so với năm trước.
Không chỉ thu hút vốn đầu tư FDI, ĐNB cũng là thỏi nam châm để hút vốn, kéo các DN trong nước về đây xây dựng nhà máy, trụ sở để sản xuất, kinh doanh. Hiện Việt Nam có hơn 800 ngàn DN thì vùng ĐNB chiếm hơn 41% số DN của cả nước. Các tổng công ty, tập đoàn lớn xuất hiện ngày càng nhiều và từng bước xây dựng, định vị thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Trong tương lai, với thị trường hơn 20 triệu dân có mức sống cao, tỷ lệ đô thị hóa lớn và các dự án hạ tầng quy mô đã và đang đầu tư thì vùng ĐNB tiếp tục là điểm đến ưu tiên của các DN.
“Chúng tôi chọn nơi đây để xây dựng nhà máy bởi gần sân bay Long Thành, lại nằm kề đường cao tốc, cảng biển, thuộc khu vực hoạt động nhộn nhịp của các DN. Đối với cộng đồng DN thì Đồng Nai nói riêng vẫn có những lợi thế lớn của mình, là điểm đến ưu tiên khi đầu tư” – Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chiếu xạ Ánh Dương (TP.HCM) Nguyễn Quốc Trường chia sẻ khi đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành).
Nỗ lực vượt qua điểm nghẽn để tăng tốc hút vốn
Trong lịch sử, ĐNB là khu vực kinh tế lớn nhất, tạo ra sự năng động cho cộng đồng DN, song hiện nay đang có nhiều thử thách đặt ra. Các điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng của khu vực chậm lại, mất lợi thế cạnh tranh so với những địa phương khác.
Trở ngại đầu tiên có thể nói đến là quỹ đất phát triển công nghiệp đang bị thu hẹp đáng kể. TPHCM dự kiến chỉ có 46ha đất “sạch” để cho nhà đầu tư thuê trong năm 2023. Số đất này lại nằm rải rác ở nhiều quận, huyện, không thể đón được nhà đầu tư lớn. Một số KCN như: Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi còn hàng trăm ha đất, song chưa ký được hợp đồng thuê đất với Nhà nước.
Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn về quỹ đất công nghiệp. Các KCN của Đồng Nai hầu như đã được lấp đầy, trong khi các KCN mới với diện tích hơn 7,1 ngàn ha phần lớn vẫn chưa thể xây dựng.
Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng trong tình trạng tương tự, còn Tây Ninh, Bình Phước có lợi thế hơn về quỹ đất, nhưng các KCN lại nằm xa cảng biển, sân bay nên cũng phần nào hạn chế.
Thứ hai là vấn đề logistics, hạ tầng giao thông giữa các địa phương chưa phát triển đồng bộ dẫn đến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, giảm tính kết nối. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa cao với phần lớn lao động nhập cư đang đặt ra nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công.
Theo quy hoạch đến năm 2030, vùng ĐNB có 970km đường cao tốc nhưng mới chỉ kết nối được qua TP.HCM đến Đồng Nai, Bình Thuận. Các tuyến khác như: Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, vành đai 3 đang trong quá trình xây dựng; một số tuyến quốc lộ dự kiến đến năm 2025 mới hoàn thành đưa vào khai thác, mới hóa giải phần nào thách thức về kết nối hạ tầng vùng.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam nhận định, để nâng cao khả năng phát triển đồng bộ, cần tăng cường hơn các hoạt động thu hút vốn đầu tư, nâng cao tính tự chủ của địa phương trong việc vận hành cơ sở hạ tầng. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước ban hành cơ chế huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đất đai… để có ngân sách phát triển và tăng phối hợp giữa các địa phuơng với nhau.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐNB tăng kết nối vùng thì mới phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong liên kết phát triển vùng bảo đảm mỗi quyết sách, chủ trương của mỗi tỉnh, thành phố phải tính đến lợi ích chung, hướng đến mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển toàn vùng, vừa thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương.
Theo Báo Đồng Nai