Tính đến giữa tháng 4-2024, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 53 ngàn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập. Các DN Việt đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Đồng Nai cũng như cả nước trong nhiều thập niên qua.
Sản xuất bánh kẹo tại Công ty CP Bibica. Ảnh: V.Gia |
Nhiều DN Việt xuất thân từ Đồng Nai đã không ngừng phát triển, trở thành thương hiệu quốc gia, tập đoàn lớn, vươn ra thế giới. Ngày nay, sự hấp dẫn, sức hút đầu tư vào tỉnh đã và đang tạo điều kiện để tiếp tục xây dựng một đội ngũ DN từng bước lớn mạnh hơn.
* Những thương hiệu nổi tiếng xuất thân từ Đồng Nai
Năm 1999, Công ty CP Bibica ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chính thức được thành lập. Hiện Bibica với 3 nhà máy sản xuất ở 3 miền đất nước đã cung ứng sản phẩm cho 3 ngàn siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi và hệ thống phân phối với hơn 140 ngàn điểm bán hàng phủ khắp Việt Nam. Đồng thời, Bibica cũng có mặt tại 21 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm: Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc… Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 vừa được thông qua tại đại hội cổ đông, Bibica đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của DN.
Khi nói về DN xuất thân ban đầu từ Đồng Nai, không thể không kể đến thương hiệu Thaco của Tập đoàn Trường Hải. Công ty CP Tập đoàn Trường Hải khi thành lập chỉ là DN nhỏ nhưng hiện đã trở thành tập đoàn tỷ USD, xuất khẩu ô tô và các mặt hàng khác sang nhiều nước trên thế giới. Tập đoàn này có hệ thống nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô chủ lực ở tỉnh Quảng Nam, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Trường Hải đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ với vai trò quy tụ, kết nối các DN nhỏ và vừa với nhau, xây dựng khu công nghiệp dành cho công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo.
Theo đánh giá của các DN đã và đang đầu tư vào địa bàn Đồng Nai, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng gay gắt. Lợi thế có được của Đồng Nai khi so sánh với các tỉnh, thành lân cận khác đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, các DN kỳ vọng chính quyền Đồng Nai sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. |
Lấy lĩnh vực cơ khí, chế tạo, công nghiệp ô tô làm nòng cốt nhưng Trường Hải đã mở rộng thành tập đoàn đa ngành nghề từ dịch vụ, bất động sản đến nông nghiệp… Kết thúc năm 2023, doanh thu hợp nhất của Trường Hải là hơn 70 ngàn tỷ đồng và xuất khẩu đạt 268 triệu USD. Riêng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải Trần Bá Dương là một trong số ít những doanh nhân Việt Nam nằm trong danh sách tỷ phú USD của thế giới.
Công ty CP Gạch ngói Đồng Nai (Tuildonai) là một trong những DN có lịch sử lâu đời nhất của địa phương. Tới nay, công ty đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, từ đó nâng tổng công suất 3 nhà máy của công ty lên tới hơn 300 triệu viên gạch ngói/năm. Nhờ những thành công của mình, công ty đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2000, đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong hơn 20 năm liền, cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng khác ở trong và ngoài nước.
* Miền đất vàng thu hút DN
Là địa phương cận kề thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, lại là điểm kết nối giao thông quan trọng bậc nhất khu vực miền Nam, từ nhiều năm qua, Đồng Nai đã, đang và tiếp tục là điểm đến hàng đầu trong thu hút đầu tư từ các DN trong nước.
Đồng Nai có nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như: Sonadezi, Donagamex, Dovitec, GC Food, Đường Biên Hòa, Nam Long, Ca cao Trọng Đức… |
Đầu tư Dự án Nhà máy chiếu xạ tại Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Chiếu xạ Ánh Dương Nguyễn Quốc Trường cho biết, đây là dự án công nghệ cao, dự kiến đưa vào sử dụng từ quý III-2024. Không chỉ Công ty Ánh Dương mà rất nhiều DN trong, ngoài nước đều nhận định Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn, đáng để đầu tư, kinh doanh. Lợi thế lớn của Đồng Nai nằm ở việc đã và đang phát triển hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, có sẵn nguồn nhân lực và số lượng khu công nghiệp, DN lớn, tạo nên sức hút tổng hợp. Đặc biệt, trong tương lai gần, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai cũng là địa phương cửa ngõ để giao lưu quốc tế nên lại càng hấp dẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Đồng Nai là “cứ điểm” sản xuất gỗ xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước, cũng là nơi có số lượng DN sản xuất sản phẩm gỗ phục vụ nội địa, cung ứng nguyên liệu lớn nhất cả nước.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, chia sẻ Đồng Nai hội tụ các yếu tố để quy tụ nhân lực, công nghệ, mặt bằng để có thể tái cấu trúc, sắp xếp lại ngành gỗ trên phạm vi không chỉ của tỉnh, mà còn của cả nước. Hiện nay, các DN lớn trong Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đang đề xuất với tỉnh về địa điểm xây dựng khu kỹ nghệ ngành gỗ lớn nhất cả nước tại huyện Xuân Lộc. Nếu được thực hiện, đây sẽ là trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất gỗ với mục tiêu nâng tầm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam.